Doanh nghiệp logistics kiệt sức vì chi phí, tần suất xét nghiệm Covid-19
(KTSG Online) – Lưu thông một chuyến hàng qua cửa khẩu Móng Cái lái xe của các công ty logistics phải phải nghiệm đến 3 lần tạo ra áp lực cho tài xế và gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Mỗi tỉnh một kiểu xét nghiệm, lái xe phải test tới 3 lần
Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) mới đây đã có công văn gởi Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng về tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông – Vận tải, UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND thành phố Móng Cái đề xuất sửa đổi quy định về xét nghiệm Covid-19 đối với lái xe vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu Móng Cái.
Theo Hiệp hội này đề xuất này nhằm tránh những rủi ro, lãng phí không cần thiết và để tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Móng Cái.
Nhiều doanh nghiệp logistic cũng cho biết hiện nay không chỉ tại các cửa khẩu mà ngay cả các cảng biển ở các địa phương cũng có nhiều quy định xét nghiệm, tiêm vaccine khiến các doanh nghiệp gặp khó. Nhiều doanh nghiệp logistic tàu biển cho biết có tàu cập ở cảng biển Quảng Ninh để lấy trả hàng. Thế nhưng, hiện nay, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành quy định người từ ngoại tỉnh vào phải có giấy xét nghiệm PCR còn hiệu lực và đáp ứng tiêm đủ 2 mũi vaccine. Quy định này khiến công tác thay thế thuyền viên của nhiều công ty gặp khó khăn bởi tỷ lệ thuyền viên đã tiêm mũi 2 còn khá ít.
Theo VLA, hiện nay, xe ngoại tỉnh đến cửa khẩu quốc tế Móng Cái giao nhận hàng hóa xuất khẩu với Trung Quốc thì lái xe phải xét nghiệm đến 3 lần, trong đó có hai lần xét nghiệm PCR và một lần xét nghiệm nhanh kháng nguyên.
Theo đó xét nghiệm lần thứ nhất theo chỉ đạo tại công văn số 5630/UBND-DL1 ngày 19-8-2021 của UBND tỉnh Quảng Ninh, khi đi vào địa bàn tỉnh Quảng Ninh thì lái xe phải xuất trình kết quả xét nghiệm bằng phương pháp PCR ở tỉnh khác có giá trị trong vòng 48 giờ tính từ giờ lấy mẫu.
Lần xét nghiệm thứ hai theo công văn số 4227/UBND-VP ngày 6-9-2021 của UBND thành phố Móng Cái thì lái xe phải xét nghiệm nhanh bằng phương pháp kháng nguyên trước khi được phép đi vào khu vực cửa khẩu Móng Cái.
Và lần thứ ba theo công văn số 3577/UBND-BQLCK ngày 3-8-2021 của UBND thành phố Móng Cái, lái xe tiếp tục phải thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp PCR và phải chờ đến khi có kết quả mới được ra khỏi khu vực cửa khẩu.
Đại diện một doanh nghiệp logistics tại TPHCM cho biết: “theo quy định chung hiện này thì các tài xế vận tải của chúng tôi phải làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc PCR trước khi chạy. Việc này thực hiện 3 ngày/1 lần, có giá trị chỉ trong 72 giờ. Tuy nhiên khi đi xét nghiệm thì 1 ngày sau mới trả kết quả nên giấy xét nghiệm cho tài xế chỉ có giá trị thực tế trong 2 ngày, sau đó lại phải xét nghiệm tiếp.
Tính trung bình chi phí xét nghiệm cho hàng trăm tài xế lên đến hàng chục triệu đồng mỗi tuần, hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Đó là chưa kể mỗi tỉnh khác nhau lại bắt xét nghiệm mỗi kiểu khác nhau, số lần xét nghiệm cũng yêu cầu khác nhau, có nơi bắt xét nghiệm lên đến 2, 3 lần khi vào địa phương đó. Việc xét nghiệm quá nhiều khiến tài xế hết sức mệt mỏi vì ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý. Còn doanh nghiệp thì phải tốn kém chi phí không nhỏ để duy trì hoạt động”.
Bên cạnh đó, VLA cho biết không chỉ có cửa khẩu Móng Cái mà tại một số cửa khẩu khác trên cả nước các địa phương cũng có những quy định về xét nghiệm khác nhau. Có địa phương yêu cầu test nhanh kháng nguyên, có địa phương yêu cầu test PCR. Đa phần tài xế đến, qua các cửa khẩu đều phải có ít nhất 1 lần xét nghiêm âm tính theo quy định chung nhưng nhiều địa phương yêu cầu phải có 2 lần xét nghiệm qua lại.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA cho rằng cần thực hiện các quy định phòng dịch phù hợp với chỉ đạo tại văn bản số 5187/VPCP-CN ngày 29-7-2021 của Văn phòng Chính phủ về thời hạn 72 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm, văn bản số 5753/BYT-MT ngày 19-7-2021 của Bộ Y tế về việc chấp nhận xét nghiệm cho lái xe bằng cả hai phương pháp PCR và xét nghiệm nhanh kháng nguyên.
Việc yêu cầu lái xe phải xét nghiệm đến 3 lần cho cùng một chuyến hàng là quá nhiều, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp và lái xe cả về chi phí, vận hành và sức khỏe. Đặc biệt, yêu cầu xét nghiệm lần thứ ba bằng phương pháp PCR trước khi lái xe được phép rời khu vực cửa khẩu Móng Cái khiến cho xe đã giao nhận hàng xong nhưng vẫn phải chờ đến tối muộn hoặc ngày hôm sau mới được rời đi sau khi nhận được kết quả xét nghiệm Covid-19, ông Hiệp cho hay.
Doanh nghiệp “kiệt quệ”
Theo VLA hoạt động dịch vụ vận tải biển, logistics còn gặp nhiều khó khăn bởi tình hình định hành Covid -19 diễn biến phức tạp, suy giảm kinh tế trên thế giới thời gian qua đã gây ra những tác động không nhỏ đến ngành.
Các doanh nghiệp logistic đều cho rằng cần xem xét lại các quy định xét nghiệm để giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp. Ảnh: Thi Ngọc
Theo đó sản lượng vận chuyển, luân chuyển toàn ngành giảm; gián đoạn việc triển khai một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, ảnh hưởng đến hoạt động vận tải và logistics; giá cước vận tải biển, giá cước vận chuyển container tăng cao; năng lực của doanh nghiệp trong nước còn hạn chế các dịch vụ vận tải, dịch vụ logistics chất lượng cao; giấy đi đường cho các nhân viên hãng tàu, đại lý giao nhận hàng hóa chỉ được cấp hạn chế ảnh hưởng tới việc làm thủ tục giao nhận hàng hóa tại cảng; thiếu nhân công làm việc tại các bến cảng…
Các doanh nghiệp logistic cũng cho hay cần sớm xây dựng chính sách, pháp luật về vận tải, logistics nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với khó khăn do dịch bệnh. Bên cạnh đó Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục ưu tiên dành nguồn vaccine cho các đối tượng tham gia hoạt động vận tải và logistics.
Bên cạnh đó việc tiêm vaccine cho các đối tượng liên quan đến hoạt động trên tàu biển, tại các cảng… cũng còn hạn chế.
VLA cho biết việc xét nghiệm tại cửa khẩu Móng Cái làm phát sinh chi phí rất lớn cho doanh nghiệp, hữu hình và vô hình, khi phương tiện, người lái và hàng hóa phải lưu giữ ở khu vực cửa khẩu chờ kết quả xét nghiệm. Doanh nghiệp đã khó khăn vì dịch bệnh, nay càng kiệt quệ hơn khi buộc phải thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Móng Cái.
Ông Lê Duy Hiệp cho biết, nhằm mục tiêu vừa phòng chống dịch bệnh vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, VLA kiến nghị xem xét, thực hiện các quy định phòng chống dịch bệnh trong hoạt động vận tải đường bộ bằng xe ô tô qua địa phận tỉnh Quảng Ninh và cửa khẩu Móng Cái phù hợp với văn bản số 8849/BGTVT-VT ngày 25-8-2021 của Bộ Giao thông Vận tải.
VLA kiến nghị không yêu cầu xét nghiệm lái xe lần thứ ba như đang quy định tại công văn số 3577/UBND-BQLCK. Quy định này đang gây ra rất nhiều phiền hà cho lái xe, doanh nghiệp vận tải vì phải lưu giữ hàng hóa, phương tiện và người lái tại khu vực cửa khẩu để chờ kết quả xét nghiệm Covid-19 rồi mới được rời đi. Điều này đang làm gia tăng rủi ro lây nhiễm dịch bệnh vì phải tụ tập đông người tại khu vực cửa khẩu. “Bên cạnh đó kiến nghị không yêu cầu xét nghiệm lần thứ hai như quy định tại công văn số 4227/UBND-VP nếu kết quả xét nghiệm vẫn còn hiệu lực”, ông Lê Duy Hiệp cho biết thêm.